QŨY TÍN DỤNG NHÂN DÂN THỊ TRẤN NÔNG TRƯỜNG MỘC CHÂU
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.
QŨY TÍN DỤNG NHÂN DÂN THỊ TRẤN NÔNG TRƯỜNG MỘC CHÂU

ĐỊA CHỈ TIN CẬY CỦA MỌI NHÀ
 
Trang ChínhGalleryTìm kiếmLatest imagesĐăng ký
Tìm kiếm
 
 

Display results as :
 
Rechercher Advanced Search
Latest topics
Navigation
 Portal
 Diễn Đàn
 Thành viên
 Lý lịch
 Trợ giúp
 Tìm kiếm
Diễn Đàn
Affiliates
free forum


 

 BÍ QUYẾT GIỮ XE BỀN VÀ TUỔI THỌ CAO

Go down 
Tác giảThông điệp
theanhduong
Admin



Tổng số bài gửi : 174
Join date : 24/07/2009
Age : 45
Đến từ : Việt nam

BÍ QUYẾT GIỮ XE BỀN VÀ TUỔI THỌ CAO Empty
Bài gửiTiêu đề: BÍ QUYẾT GIỮ XE BỀN VÀ TUỔI THỌ CAO   BÍ QUYẾT GIỮ XE BỀN VÀ TUỔI THỌ CAO Empty18/3/2013, 15:30

Bí quyết giữ xe bền và có tuổi thọ cao - phần 1
Chúng tôi sưu tập một số bí quyết nhằm giúp độc giả giữ được chiếc xe yêu quý của mình bền và có tuổi thọ cao.

Bí quyết chung

1. Kiên nhẫn trong giai đoạn chạy rốt-đa

Đây là một số điểm cần lưu ý trong giai đoạn này:
• Luôn giữ tốc độ dưới 88km/h hoặc theo tốc độ mà hãng sản xuất xe khuyến cáo trong giai đoạn rốt-đa, thường là 1.600 km đầu tiên.
• Tránh tải trọng nặng, chẳng hạn như kéo thêm xe và chất hàng nặng trên nóc như các vật liệu xây dựng nặng.
• Nên thường xuyên lái xe, không để xe ‘nhàn rỗi’, nhất là trong giai đoạn rốt-đa, vì áp suất dầu do không dùng thường xuyên mà khi chạy lại có thể không đẩy được dầu đến tất cả các bộ phận của xe.
• Sử dụng chế độ đạp ga tăng tốc từ nhẹ đến trung bình, giữ cho động cơ quay dưới 3000 vòng/phút cho những giờ lái đầu tiên.

2. Lái xe cẩn thận hàng ngày

Luôn cẩn thận khi lái xe là điều nên lưu ý ngay cả sau giai đoạn rốt-đa, điều này sẽ mang lại lợi ích lâu dài cho bạn mà không phải tốn tiền sửa chữa.
• Không nên chạy hết tốc độ trong khi vừa khởi động. Điều này sẽ làm giảm tuổi thọ của động cơ, nhất là khi trời lạnh.
• Khi xe bắt đầu chạy bạn nên đạp ga từ từ. Hao mòn động cơ thường xảy ra nhất khoảng 10 đến 20 phút đầu khi lái.
• Xe không sử dụng thường xuyên không phải là ý kiến hay. Động cơ không được hoạt động ở nhiệt độ cao nhất của nó sẽ dẫn đến việc đốt cháy nhiên liệu không hoàn chỉnh, tạo muội bám vào thành xi-lanh, dầu bị ô nhiễm và làm hỏng các linh kiện.
• Giảm sức kéo của động cơ và hộp số tự động bằng cách chuyển sang số 0 khi dừng đèn đỏ. Nếu không, động cơ vẫn làm việc sẽ đẩy xe đi trong khi nó đang dừng bánh.
• Tránh lái xe ở tốc độ cao và đạp ga nhanh, nhất là khi trời bên ngoài quá nóng hoặc quá lạnh. Lái như vậy sẽ dẫn đến việc phải sửa chữa xe nhiều hơn.
• Kéo dài tuổi thọ của lốp xe bằng cách lái xe cẩn thận. Duy trì tốc độ đều. Tránh khởi động, dừng và rẽ quá nhanh. Tránh ổ gà và chướng ngại vật trên đường. Không chèn qua bục và để lốp xe đâm vào bục khi đỗ xe, và tất nhiên không phóng nhanh phanh gấp cháy mặt đường.
• Khi bẻ vô-lăng không giữ quá vài giây quặt hẳn về phía phải hoặc trái. Nếu giữ quá lâu sẽ làm hỏng hệ thống trợ lực tay lái.
• Lưu ý khi lái các chặng ngắn. Hầu hết các hỏng hóc cũng như khí thải của ô-tô đều diễn ra trong vài phút đầu khi lái. Nếu có thể hãy lái từng chặng ngắn trong cùng một lúc khi không phải giờ cao điểm sẽ giúp cho tuổi thọ của động cơ kéo dài hơn.

3. Mua xăng ở các trạm có uy tín

Hãy hỏi xem xăng bạn mua có được lọc ở bộ phận bơm không, và xem trạm xăng có thường xuyên thay bộ phận lọc không. Nếu bạn nhận được câu trả lời mập mờ thì tốt nhất nên tìm trạm xăng khác. Một số trạm xăng không có hệ thống lọc, rõ ràng là bạn đang sử dụng xăng bẩn. Một số trạm xăng có thể pha cồn và nhiên liệu không đúng tỷ lệ, hoặc thậm chí tệ hơn, họ còn đổ cả nước vào. Tốt nhất nên tìm trạm xăng bạn tin cậy và chỉ dùng nó mà thôi.

4. Đừng đổ xăng nếu như bạn nhìn thấy két xăng

Nếu tình cờ bạn nhìn thấy ở cây xăng họ đang bơm xăng từ két vào két ngầm thì tốt nhất là hôm khác hẵng quay lại đổ xăng hoặc đi tìm trạm xăng khác. Bởi vì trong quá trình bơm xăng từ két vào két ngầm sẽ làm cho các cặn bị khuấy lên. Các cặn bẩn này có thể làm tắc bộ phận lọc nhiên liệu và kim phun nhiên liệu, gây ra vận hành kém và có thể phải sửa chữa.

5. Bình tĩnh khi bị sa lầy

Khi bị sa lầy vào bùn, hãy bình tình lái xe ra khỏi bãi lầy. Nhưng nếu như bị sa lầy sâu quá, không nên đánh lái tiến lên trước và lùi lại sau, lặp đi lặp lại, hay tăng tốc ở tốc độ cao, điều đó có thể làm máy nóng dẫn đến hư hộp số, côn và bộ truyền động vi sai. Rẻ hơn cả là gọi xe cứu hộ hơn là làm hỏng một số bộ phận xe dẫn đến tiền sửa chữa còn nhiều hơn. Tốt nhất nên để trong cốp xe phương tiện trợ giúp như cát, sỏi.

6. Để riêng chìa khóa ô-tô

Chìa khóa xe ô-tô của bạn có để chung với hàng tá hoặc thậm chí nhiều các chìa khóa khác không? Điều đó sẽ làm cho chìa khóa xe của bạn khá nặng khi mà mở khóa khởi động xe. Sức nặng và sự cồng kềnh của chùm chìa khóa khi bạn lái xe có thể làm mài mòn bộ phận đánh lửa bên trong, và cuối cùng là dẫn đến không khởi động được xe. Để giúp kéo dào tuổi thọ cho bộ phận đánh lửa, bạn hãy mua một móc khóa nhẹ giúp bạn để riêng chìa khóa xe với các chìa khác. Khi lái xe nên chỉ có duy nhất một chìa khóa xe cắm vào ổ mà thôi. Nếu chìa khóa xe ô-tô của bạn bị ‘kẹt’ khi bạn cố gắng xoay để khởi động xe, điều đó cảnh báo rằng bộ phận đánh lửa sắp hỏng rồi đấy. Hãy thay ngay trước khi quá muộn.

7. Chọn hãng bảo hiểm ô-tô có uy tín

Đôi khi bạn có thể gặp những rủi ro, nhất là tai nạn trên đường, cho dù bạn lái xe rất cẩn thận. Do vậy, bạn nên tìm mua bảo hiểm của những hãng đảm bảo có phụ tùng thay thế chính hãng và bảo đảm được sửa ở những garage có ủy quyền của hãng xe.

8. Ghi chép

Nên có quyển sổ nhỏ để trong hộc xe để ghi lại ngày đổ xăng và số km khi đổ. Nếu bạn thấy xe ngày một tốn xăng thì nên lập tức cho xe kiểm tra. Nó có thể là dấu hiệu báo xe bạn sắp có vấn đề.

9. Bảo quản xe khi không sử dụng trong thời gian dài

Nếu bạn không dùng xe trong thời gian hơn 1 tháng, hãy để xe ở nơi thích hợp tránh hỏng hóc và sửa chữa không cần thiết khi bạn cần dùng lại.
• Đổ xăng để tránh sự ngưng tụ tạo ra trong bình xăng. Đổ chất ổn định nhiên liệu và lái xe loanh quanh một chút để giúp đẩy dầu lên các bộ phận của động cơ.
• Rửa và đánh bóng xe sạch sẽ để bảo vệ thân vỏ.
• Đặt chống ẩm ở sàn xe. Có thể sử dụng tấm ni-lon hoặc nhựa dày 4mm.
• Nhả phanh khi đỗ giúp tránh mòn má phanh.
• Đỗ xe lên giá của kích nhằm giảm tải trọng của xe lên bánh và lốp.
• Không kết nối và tháo ắc quy ra khỏi chảy. Để ắc quy vào thiết bị nạp điện từ từ liên tục, hoặc xúc rửa ắc quy theo định kỳ.
• Đậy nắp ống xả tránh ẩm tràn vào.

Bí quyết giữ xe bền và có tuổi thọ cao - phần 2
Các lời khuyên và mẹo vặt để giữ gìn và làm tăng tuổi thọ cho nội thất xe ô tô

10. Đỗ xe ở bóng râm

Tất nhiên đỗ trong garage có mái che là nơi lý tư
ởng nhất. Nhưng nếu không có, cố gắng giảm thiểu tác hại đến nội thất trong xe do ánh nắng có chứa tia cực tím gây ra, bạn nên tìm bóng râm mà đỗ. Nếu như không có bóng râm hoặc bạn lo chất thải của chim đậu trên cây rơi xuống xe, bạn nên sử dụng tấm che nắng cho ô-tô để giảm thiểu tác động của mặt trời. Tấm che nắng cho ô tô có thể là cái mà bạn gập được để ở tấm kính phía trước và cửa phía sau, hoặc loại gắn được vào tấm kính phía trước và các cửa sổ.

11. Vệ sinh trong xe

Khi nào bạn rửa xe thì cũng nên hút bụi và lau chùi trong xe. Sử dụng những chất lỏng như soda để lau chùi nội thất có thể dẫn đến hiện tượng ăn mòn. Do vậy, sử dụng máy hút bụi có công suất cao để làm sạch nội thất (loại công suất nhỏ sẽ không sạch được xe hoàn toàn vì yếu). Sử dụng đầu ống hút bụi thích hợp. Bề mặt kim loại có thể xước và hư hại. Lau chùi bề mặt nhựa bằng nước và xà phòng có chất tẩy nhẹ.

12. Vệ sinh bảng đồng hồ cẩn thận

Sử dụng miếng vải ẩm mềm lau nhẹ bụi bẩn trên mặt bảng đồng hồ. Nếu mạnh tay quá sẽ làm xước bề mặt. Có quá nhiều vết xước có thể khiến bạn khó đọc chính xác được đồng hồ ở một số trường hợp.

13. Sử dụng tấm lót chân

Sử dụng tấm lót chân để bảo vệ thảm xe. Tốt nhất vào mùa mưa nên dùng tấm lót chân loại bằng cao su kiểu như tổ ong, cố định, không ngấm nước và dễ giặt. Loại tấm lót bằng thảm cũng được. Giũ, hút bụi và giặt khi cần, thay chúng khi đã cũ.

14. Giặt tấm lót chân

Khi rửa xe, lôi tấm lót chân ra giặt. Việc này sẽ giúp loại bỏ hết bụi bẩn bám vào các lỗ của tấm lót chân. Sau đó phơi khô dưới ánh nắng mặt trời trước khi dùng lại.

15. Đối với những vết ố bẩn trên thảm hoặc tấm lót chân

Sau khi hút bụi các tấm để chân hoặc thảm trong ô-tô, sử dụng hóa chất dạng bọt để loại bỏ những vết ố bám trên bề mặt theo chỉ dẫn của hãng sản xuất xe. Xịt một ít bọt vào vết ố, sử dụng giẻ ẩm hoặc bàn chải để chải. Hút bụi rồi để khô.

16. Bảo vệ gioăng cao su ở khe cửa ra vào và cửa sổ

Sử dụng vật liệu bảo vệ cao su (như Armor-All) hoặc silicon để lau chùi gioăng cao su ở cửa ra vào và cửa sổ để giúp chúng luôn trong tình trạng tốt. Đừng sử dụng sản phẩm có dầu, như WD-40, vì dầu sẽ làm hỏng cao su. Thường xuyên lau chùi và bảo dưỡng gioăng cao su ở cửa sẽ làm giảm thiểu khả năng cửa bị dính vào gioăng cao su trong thời tiết lạnh là nguyên nhân phổ biến dẫn đến hỏng cao su.

17. Chữa gioăng cao su ngay lập tức

Nếu gioăng cao su bị dò dỉ nước mưa vào nội thất trong xe, bạn nên xử lý ngay, hoặc là phải sửa hoặc là phải thay nó. Nếu vết nứt nhỏ, bạn có thể dùng bột dán quét lên. Nếu vết nứt rộng hơn một chút bạn có thể dùng keo dán. Các vết rộng có thể mang đến garage sửa chữa có loại keo bả đặc biệt. Nếu chưa đến mức phải thay thế, thì bạn cũng có thể kéo dài tuổi thọ của gioăng bằng cách chèn miếng mút chuyên dụng vào lỗ thủng có bán tại các cửa hàng bán phụ tùng ô-tô. Nếu bạn quyết định thay toàn bộ gioăng cao su, đừng mua loại giống như bạn sử dụng trong gia đình, mà bạn nên mua sản phẩm thích hợp với gioăng cao su gốc sử dụng cho ô-tô của bạn. Sản phẩm này có bán tại salon có ủy quyền hoặc đặt hàng tại các hãng sản xuất xe.

18. Giữ đồ da không bị khô và nứt

Da bọc ghế ngồi rất bền và không mất nhiều thời gian để bảo dưỡng. Tuy nhiên, sau vài năm, ghế ngồi có thể bị bẩn. Sử dụng chất làm sạch da để loại bỏ bụi bẩn và vết ố. Sau đó sử dụng chất bảo vệ da. Chất bảo vệ da sẽ giúp chống lại các vết ố và giúp cho dễ dàng làm sạch da sau này. Chọn sản phẩm bảo vệ da có chất làm mềm da.

19. Sử dụng chất tẩy rửa các ghế bẩn

Bạn có thể sử dụng chất tẩy rửa dùng trong gia đình để lau chùi cho vật liệu bọc ghế ngồi. Tuy nhiên, nên sử dụng riêng biệt tránh làm ướt sũng bề mặt. Sử dụng miếng giẻ sạch để lau bọt. Đối với các ghế ngồi bọc nhung hoặc nỉ, chải bề mặt nhẹ nhàng tránh làm mất lớp tuyết và bảo vệ được màu vải ban đầu.

20. Bảo vệ bề mặt vải/nỉ và thảm

Xịt chất bảo vệ bề mặt vải vào loại ghế ngồi bằng vải/nỉ và thảm (như Scotchgard) sẽ giúp chống bụi và ố, và dễ giặt. Làm sạch bề mặt trước khi xịt chất bảo vệ. Tốt nhất nên thử chất xịt này trước xem nó có làm cho vải bị đổi màu không.

21. Đặt khăn dưới ghế ngồi trẻ nhỏ

Tránh thức ăn đồ uống có thể tích tụ lại dưới ghế ngồi của trẻ, lâu ngày sẽ tạo thành vết ố khó tẩy, nên đặt một miếng ni-lông hoặc nhựa mỏng và một chiếc khăn thấm nước dưới ghế ngồi, và đặt ghế ngồi của trẻ nhỏ phải tuân thủ theo hướng dẫn của hãng sản xuất xe.

Bí quyết giữ xe bền và có tuổi thọ cao - phần 3
Những kiến thức và lời khuyên cơ bản để bạn chăm sóc giữ gìn vẻ bề ngoài cho chiếc xe yêu quí của mình

22. Bảo vệ ô-tô khỏi ánh nắng mặt trời

Lớp sơn bên ngoài không chỉ làm cho xe của bạn đẹp mà nó còn là phương tiện đầu tiên chống han gỉ cho xe. Tất nhiên, cách tốt nhất bảo vệ xe là đỗ vào garage. Nếu không có, hãy đỗ xe vào bóng râm hoặc mua một cái phủ xe. Ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp sẽ làm cho sơn bị phai màu. Những tấm phủ trên xe không những giúp bảo vệ xe của bạn khỏi ánh nắng mặt trời, ẩm ướt, chất thải của chim và bụi bẩn – mà còn là lớp đệm bảo vệ những tác động nhẹ bên ngoài như va quệt với xe đạp hoặc cành cây rơi.

23. Chấm sơn các vết xước nhỏ trước khi quá muộn

Chấm sơn ngay các vết xước sẽ không bị gỉ. Trước khi gỉ sắt có cơ hội tấn công luôn có sơn giống màu để bạn chấm vào các vết xước hay vết rạn nhỏ, thường hay thấy ở quanh khe cửa.

24. Dán băng dính vào các vết nứt nhỏ

Một vết nứt nhỏ ở đèn hậu hoặc đèn xi-nhan mà để nguyên có thể khiến cho hộp đèn của bạn bị nước vào và gây ra hỏng hóc. Giải pháp tạm thời là lấy băng dính dính vào vết nứt. Sử dụng băng dính màu đỏ hoặc cam. Bạn có thể mua loại băng dính này ở các cửa hàng bán phụ tùng ô-tô.

25. Tránh các vấn đề khi thay bóng đèn

Khi thay bóng đèn cháy, hãy làm sạch bụi bẩn hoặc phần han gỉ trên đui đèn bằng bàn chải mềm hoặc miếng cọ bằng sắt mỏng. Chùi sạch những vết han gỉ trên đui đèn, nếu có, trước khi lắp bóng mới.

26. Mang đến cho xe một tấm áo khoác mới

Dùng loại màng mỏng tự dính để bảo vệ các vùng sơn dễ bị hư do đá dăm hay những vết xước nhỏ mang lại. Bạn có thể rửa và đánh bóng những vùng xe đã dán này như những phần khác của xe. Tốt nhất là đến những nơi chuyên dán để họ giúp bạn, nhưng bạn cũng có thể tự làm được việc này. Sản phẩm thông dụng là của 3M, loại Scotchgard Paint Protection Film Solutions. Bạn có thể tham khảo thêm trên trang mạng của họ 3m.com.



27. Chỉ đổ dung dịch tẩy rửa thôi

Không được đổ nước lã vào bình đựng nước rửa kính chắn gió. Nước sẽ không những không làm sạch được bụi bẩn so với dung dịch tẩy rửa, mà thậm chí nó còn làm đóng đá khi thời tiết lạnh và làm hỏng hệ thống. Không được chạy hệ thống rửa kính khi bạn nghi ngờ trong bình không còn dung dịch tẩy rửa, nếu không bạn có thể làm hỏng hệ thống bơm dung dịch tẩy rửa.

28. Chữa bình đựng dung dịch chất tẩy rửa

Hiện tượng các bình đựng chất dung dịch tẩy rửa bị nứt là khá phổ biến khi xe đến một tuổi thọ nhất định. Trong khi chờ mua một bình mới hoặc tìm bình cũ vẫn còn dùng được thay thế, thì giải pháp tốt nhất là bạn hãy cho một cái túi ni-lon dùng để trong tủ đá vào trong bình và đổ dung dịch chất tẩy rửa vào.

29. Đừng chở quá nặng

Không bao giờ được chở quá thông số tải của nóc hoặc giới hạn tải trọng của xe. Bạn có thể tham khảo quyển sách hướng dẫn của xe. Hãy kiểm tra giới hạn tải trọng xếp trên nóc xe nữa, thông thường có phạm vi từ 68 đến 90kg. Nếu bạn chở nặng các đồ mua trong nội thất gia đình hoặc đồ trong vườn thì tốt nhất nên thuê chở riêng. Nó sẽ làm cho bạn đỡ mệt và kéo dài được tuổi thọ của xe.

30. Đừng để các dụng cụ sửa chữa làm xước xe bạn

Nếu bạn định mang xe đi bảo dưỡng hoặc sửa chữa, hãy sử dụng tấm bảo vệ cản sốc. Phủ nó lên cản sốc nên bạn có thể sử dụng các dụng cụ sửa chữa mà không gây xước. Nó cũng tránh không cho phần khóa thắt lưng của bạn làm xước sơn khi bạn dựa vào khoang máy để sửa.



31. Chở với tải trọng an toàn tránh sứt mẻ và xước

Việc chở hàng quá tải trọng cho phép là nguyên nhân đầu tiên làm giảm tuổi thọ của nhiều xe ô-tô và xe tải, nhất là làm ảnh hưởng đến nội thất của xe wagon và hatchback. Một mẹo rất hay giúp giữ các vật cao khỏi bị trượt ra khỏi lòng xe bán tải là sử dụng một hoặc 2 thanh lắp rèm trong buồng tắm làm thanh giằng. Đẩy hàng dựa sát vào thành xe rồi chằng thanh chắn vào. Buộc chặt để đảm bảo an toàn. Sử dụng lưới phủ hàng cũng sẽ giúp cho các vật không rơi ra xung quanh và làm hỏng lòng xe tải.

32. Kiểm tra các tấm chắn bùn bánh xe

Đối với rất nhiều xe hiện nay, những tấm chắn này rất mảnh khiến cho nước nhiều khi bắn cả vào bộ phận động cơ phá hủy những thiết bị điện nhạy cảm. Không may, những tấm chắn này cũng rất dễ rách, nhiều khi lái xe không để ý điều này. Khi bạn rửa xe hãy kiểm tra xem những tấm chắn này có bị hư hỏng không. Nếu có, hãy kịp thời sửa chữa hoặc thay thế nếu cần. Có thể lắp thêm miếng chắn bùn cho xe tránh vôi vữa, mảnh vụn và bùn đất.

33. Mùa đông cũng rửa xe

Bạn không phải là trường hợp hiếm thấy khi xe đã bẩn mà lại ít khi rửa vào mùa đông. Các xe bạn gặp trên đường cũng tương tự như vậy, rõ ràng là tại sao phải bận tâm điều này, khi mà hôm trước rửa hôm sau lại bẩn. Vấn đề là rửa xe vào mùa đông quan trọng hơn bất cứ mùa nào trong năm. Cát bụi, bùn bám tích tụ sẽ làm cho xe của bán chóng bị han gỉ. Hiện tượng ăn mòn nhanh chóng diễn ra khi nhiệt độ từ cao hạ xuống thấp. Nhất là trong các tháng mưa phùn gió bấc, hãy đảm bảo là xe của bạn được rửa cả dưới gầm và những vùng khó rửa đó chính là nhưng nơi rất dễ han gỉ, chẳng hạn như ba-đờ-sốc và bên trong vành xe. Nếu nhiệt độ bên ngoài hạ xuống quá thấp trong một thời gian lâu, mưa phùn gió bấc đường và xe lâu khô, hãy tự lau rửa xe của mình tại nhà bằng nước ấm. Nếu không, hãy mang xe của bạn đi rửa và đảm bảo rằng họ rửa và làm khô xe của bạn một cách triệt để.

34. Đánh bóng để bảo vệ sơn của xe

Hiển nhiên là như thế! Đánh bóng sẽ giúp giữ nước sơn xe và sẽ giúp giữ cho xe trông luôn mới. Đánh bóng xe còn giúp bảo vệ sơn bằng cách làm cho quá trình o-xy hóa bị chậm lại và còn là lớp bảo vệ tránh chất thải của chim, nhựa cây và các chất ô nhiễm. Thêm vào đó lái chiếc xe bóng bẩy cũng thấy vui.

Đây là một số mẹo để đảm bảo sự bảo vệ tối đa:
• Thông thường sử dụng các chất làm bóng bằng dung dịch lỏng hoặc dạng xịt sẽ giúp xe trông bóng mà lại mất ít thời gian hơn là sử dụng dạng xi. Tuy nhiên, xi sẽ giúp xe bóng lâu hơn và khó trôi. Hãy dùng loại xi có chứa sáp canauba.
• Phủ một lớp mỏng, thậm chí dùng một miếng mút ẩm để phủ xi lên xe. Tránh phủ quá nhiều, nếu không nó sẽ rất khó rửa sau này và một số cặn sẽ làm mờ xe.
• Tránh các vết xước sắc, sử dụng khăn vải bông mềm và sạch loại bỏ phần xi khi nó đã khô.
• Phủ thêm một lớp xi vào mũi và mui xe vì các vùng này xi rất nhanh bị hao mòn.

35. Sửa chữa những vết vỡ nhỏ ở kính chắn gió

Xe bạn của bạn có bị đá bắn vào vỡ, nứt, hoặc vật thể nào đó rơi vào không? Bạn hãy mang xe đến cửa hàng để sửa chữa tấm kính chắn gió. Để tiết kiệm chi phí nếu so với việc phải thay tấm kính này, họ có thể chữa các vết vỡ, nứt, thậm chí cả cho những vết vỡ hoặc nứt dài. Họ không những chữa không cho vết vỡ hoặc nứt kéo dài rộng thêm, mà họ còn cải thiện được độ sáng của kính.

36. Luôn giữ một cái chăn cũ trong xe

Cái chăn cũ này sẽ bảo vệ xe bạn khỏi xước do cành cây rơi, hoặc xe đạp quệt vào, hoặc chất hàng lên trên nóc xe.

Bí quyết giữ xe bền và có tuổi thọ cao - phần 4
Lốp, bánh xe và phanh xe là những bộ phận rất quan trọng của xe, vậy cách bảo quản chúng như thế nào để cho có tuổi thọ cao nhất?

37. Luôn đậy nắp van xe

Sáng dậy, chuẩn bị đi làm bạn mới phát hiện lốp xe bị xịt. Chuyện gì đã xảy ra đêm qua vậy? Nếu van của lốp xe bị mất nắp đậy, thì thủ phạm gây ra lốp bị xịt chính là chân van bị hở. Những cái nắp đậy giúp cho bụi bẩn và độ ẩm mà gây ra hiện tượng hở sẽ không vào được trong lốp xe. Vì vậy, bạn nên lưu ý luôn đậy nắp van lốp xe. Một mẹo khác: khi bạn thay lốp, luôn nhắc cửa hàng bán lốp xe là bạn muốn có van mới cho những cái lốp mới mua này.

38. Đảm bảo lốp được bơm căng vừa phải

Lốp xe không đủ căng là nguyên nhân dẫn đến việc bạn sẽ thường xuyên đi gặp cửa hàng bán lốp, vì chúng tạo ra sức nóng quá mức và sức ép có thể dẫn đến hỏng lốp. Nếu bạn muốn tận dụng được tối đa tuổi thọ của lốp xe, hãy sắm cho mình một cái máy đo áp suất lốp xe và sử dụng ít nhất 1 tuần/lần (nhiều hơn vào mùa nóng) để giữ cho áp suất của lốp theo đúng với chỉ dẫn khuyến cáo trong quyển sách hướng dẫn của nhà sản xuất. Hãy kiểm tra lốp xe khi chúng ở tình trạng lạnh (lái ít nhất ít hơn 2km) để đọc thông số cho chính xác.

39. Cẩn trọng khi ngón tay cái bị ướt

Nếu bạn bơm lốp xe ở cửa hàng sửa chữa, hãy kiểm tra xem có độ ẩm ở máy bơm không? Rất đơn giản bạn hãy lấy ngón tay cái ấn vào chốt của van máy bơm. Nếu như ngón cái của bạn bị ướt hãy nói người quản lý cửa hàng máy bơm của họ cần phải được sửa chữa, hoặc không bạn đến cửa hàng khác. Độ ẩm khi đi vào trong lốp xe có thể gây ra nguyên nhân thay đổi áp suất và làm mòn vành xe.

40. Kiểm tra độ mòn không đều

Kiểm tra lốp xe xem độ mòn có đều không? Nếu lốp xe của bạn thường được bơm hơi đúng theo quy định, thì việc lốp bị mòn không đều có thể là bạn phải đi cân lại vành. Nó cũng có nghĩa là phanh hay bộ phận giảm sóc của bạn hoạt động không thích hợp, vành bị cong vênh, hỏng lốp bên trong hay ống lót bị mòn.

41. Kiểm tra ta-lông lốp xe

Nếu bạn lái xe vào mùa mưa, bạn nên thay lốp với ta-lông có độ dày còn 3mm. Nếu không, nước ở dưới lốp xe có thể không thoát kịp và bạn có thể phải đối mặt với tình trạng nguy hiểm khi xe bị mất khả năng bám đường và trượt trên mặt nước.

42. Đổi lốp xe

Việc đổi lốp xe sẽ giúp cho các lốp xe của bạn có độ mòn cân bằng nhau và bạn sẽ có tuổi thọ của chúng sử dụng trên đường là cao nhất. Việc thay đổi lần đầu là đặc biệt quan trọng. Trong quyển sách hướng dẫn của bạn sẽ quy định cụ thể thời gian cần đổi. Nếu không, bạn nên đổi lốp cứ mỗi khi đi được khoảng 9.700km – 12.000km. Cửa hàng bán lốp xe cũng biết để tư vấn cho bạn về vấn đề này.


Dùng đầu vặn ốc đúng cỡ và đúng cách

43. Khi nhiệt độ ảnh hưởng đến áp suất trong lốp xe

Khi nhiệt độ bên ngoài hạ thấp hoặc tăng cao, áp suất của lốp xe sẽ có chiều hướng bị giảm đi. Thực tế, khi nhiệt độ xuống 6 độ C, lốp xe sẽ bị xẹp xuống, áp suất giảm đi 05,kg – 1 kg. Khi thời tiết nóng, áp suất trong lốp còn giảm hơn. Các lốp xe không đủ hơi có thể dẫn đến làm mòn lốp nhanh và khó điều khiển khi lái. Nếu bạn sống ở một nơi mà nhiệt độ chênh lệch cao, bạn nên kiểm tra áp suất và hơi của lốp xe thường xuyên và khi cần thiết.

44. Mua lốp đã sử dụng

Nếu bạn sở hữu một chiếc xe mà bạn chỉ định lái trong vòng 1 năm nữa, thì điều cuối cùng bạn nên làm là mua một bộ lốp mới. Nếu thực sự đã đến lúc phải thay lốp, không phải suy nghĩ nhiều, bạn hãy mua một bộ lốp đã dùng rồi. Hãy gọi điện cho cửa hàng bán lốp xem họ sẵn có loại nào. Bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy rất nhiều lốp còn mới, nhất là chủ nhân cũ của nó là những người cẩn thận và quan tâm nhiều đến hình ảnh bên ngoài. Hãy sẵn sàng có trong tay kích cỡ lốp xe của bạn.

45. Sử dụng hóa chất làm sạch vành xe

Khi bạn lái xe trên đường, vành xe của bạn sẽ bám đầy bụi bẩn. Bụi bẩn này mặt khác sẽ khiến cho bàn đạp phanh xe bị mòn nhanh. Những vết bụi bẩn lâu ngày tích lại rất khó rửa sạch. Loại dung dịch để rửa xe không thể giúp loại bỏ được những vết bẩn này. Bạn cần một loại hóa chất được đặc chế riêng để loại bỏ chúng. Bạn nên mua đúng chủng loại. Một số hóa chất sử dụng cho vành kim loại, một số khác dùng cho vành sơn và mạ. Loại hóa chất dùng cho vành kim loại cũng có rất nhiều chủng loại khác nhau, tùy thuộc vào vành của bạn là vành bóng, loại mạ crome, hay nhôm. Hãy bảo vệ các vành kim loại bằng xi đánh bóng vành xe, còn loại vành sơn thì sử dụng lớp sáp bảo vệ.

46. Bôi dầu mỡ vào các con ốc ở trục bánh xe

Các con ốc ở trục bánh xe nếu không được tra dầu mỡ thường xuyên có thể bị kẹt hoặc ‘kẹt cứng’ vào núm ốc do bị ăn mòn. Việc thay thế chúng có thể tốn nhiều tiền. Nếu gọi xe cứu hộ đến kéo giúp xe về garage vì bạn không tháo được lốp xe khi bị xịt còn tốn nhiều tiền hơn. Lần sau, khi bạn thay hoặc đổi lốp, hãy xin một ít dầu mỡ chống kẹt ở cửa hàng. Dùng bàn chải sắt lau sạch các đường răng của con ốc rồi bôi mỡ vào cho chúng. Dầu mỡ chống kẹt sẽ giúp cho các con ốc ở trục bánh xe (và kể cả bu-gi đánh lửa) không bị mắc kẹt và chúng cũng không bị lỏng ra khi bạn lái xe. Nếu bạn dùng loại mỡ khác, có thể làm các ốc lại bị lỏng ra khi lái xe. Nếu chẳng may một con ốc bị mắc kẹt cứng vào núm ốc, bạn hãy xịt vào ốc và núm loại WD-40 hoặc Liquid Wrench. Để nó thẩm thấu khoảng 10 đến 20 phút. Dùng máy sấy để hơ nóng. Sau đó, dùng kìm để tháo.


Bôi mỡ vào các đinh ốc vít


47. Lưu ý các nắp đậy vành bánh xe

Bạn hãy luôn để ý đến các nắp đậy trục bánh xe và nắp đậy vành xe vì nếu chúng không được lắp đúng thì chúng rất dễ bị rơi ra khỏi vành xe trong khi bạn lái. Chúng rất dễ bị lỏng, hoặc bị va đập hoặc mắc vào các bục khi đỗ xe. Dưới đây là một số điều có thể giúp bạn giữ được những bộ phận đắt tiền này của xe:
• Nếu nắp đậy trục bánh xe bằng kim loại loại cũ mà bị lỏng ra, tốt nhất hãy thay thế chúng.
• Các nắp đậy trục loại nhựa mới sau này và một số nắp đậy vành thường nằm nguyên chỗ nhờ có một vòng kim loại giữ chúng gắn vào những con ốc đệm trên vành. Khi lắp lại nắp đậy bạn hãy cẩn thận đừng làm méo hoặc vỡ những con ốc đệm này.
• Một cách để đảm bảo rằng các nắp đậy trục xe đắt tiền của bạn không bị các cửa hàng sửa chữa làm hỏng là bạn hãy tự tháo chúng trước khi mang xe đi sửa liên quan đến tháo vành do phanh hay thay lốp xe. Khi lắp các nắp đậy trục, hãy để chúng vào đúng chỗ, rồi dùng búa cao su tháo chúng nhẹ nhàng. Đừng gõ quá mạnh vào nắp đậy trục vì bạn có thể làm hỏng gioăng kẹp bên dưới. Nếu bạn muốn để cho thợ họ tháo các nắp giúp bạn thì hãy kiểm tra lại để bảo đảm là chúng được lắp lại đúng chỗ. Các nắp đậy khi lắp lại phải cân bằng và phẳng.


Nắp vành không những giúp bảo vệ vành trục bánh xe mà còn làm đẹp cho chiếc xe của bạn.


48. Cân chỉnh vành xe

Cứ đi được 48.000km, bạn nên cân chỉnh lại vành xe, hoặc theo chỉ dẫn trong sách hướng dẫn của hãng sản xuất. Khi mua lốp mới, hoặc khi bạn thay thanh răng lái hoặc bánh răng chuyền, hoặc các thiết bị lái khác bạn cũng nên kiểm tra lại vành xe. Lốp xe cân chỉnh không đúng sẽ làm giảm tuổi thọ lốp xe cũng như gây nên khó chịu khi lái. Nếu vô-lăng của bạn cứng hơn thông thường hoặc xe bị nghiêng về một phía, bạn có thể có vấn đề về cân chỉnh vành xe.

49. Đổ thêm dầu phanh

Kiểm tra dầu phanh hàng tháng. Lau sạch bụi bẩn trên nắp xy lanh trước khi bạn mở ra. Nếu bạn cần phải đổ thêm dầu phanh, hãy đổ đúng với hướng dẫn của hãng sản xuất xe. Không bao giờ được dùng dầu khác để thay thế dầu phanh, chẳng hạn như dùng dầu của hộp số hay trợ lực tay lái. Không sử dụng dầu phanh từ hộp dầu đã mở còn dư lại của lần trước. Khi hộp được mở, dầu tiếp xúc với không khí khiến cho dầu phanh hấp thụ độ ẩm và dễ làm hỏng phanh.

50. Chăm sóc chống bó phanh

Hệ thống chống bó phanh (ABS) rất nhạy cảm với độ ẩm. Độ ẩm có thể làm hỏng bộ phận bơm đắt tiền ABS và làm hỏng má phanh từ bên trong. Do dầu phanh hút ẩm nên ít nhất 3 năm phải thay hoặc theo như chỉ dẫn trong sách hướng dẫn sử dụng xe của bạn.
Bí quyết giữ xe bền và có tuổi thọ cao - phần 5
Động cơ và các hệ thống của xe là những bộ phận cực kỳ quan trọng của xe. Việc tu dưỡng và bảo quản chúng tốt sẽ góp phần không nhỏ vào việc kéo dài thêm tuổi thọ cho xe.

51. Cách mỗi lần đổ xăng lại kiểm tra dầu máy

Để đọc được kết quả chính xác, hãy theo các bước sau:
• Cho xe chạy hoặc lái xe khoảng 15 phút làm cho dầu ấm lên, sau đó đỗ xe ở nơi bằng phẳng. Tắt máy và đợi khoảng 15 phút cho phép dầu trong máy chảy về bình đựng dầu.
• Lấy que đo dầu ra và lau sạch nó bằng giấy hoặc khăn hoặc giẻ sạch. Cho que đo dầu từ từ vào sau đó kéo nó ra để kiểm tra mức dầu. Mức dầu phải nằm ở khoảng giữa các vạch trên que đo.
• Thêm một lượng dầu như chỉ dẫn trong sách hướng dẫn xe của bạn, nếu cần.

52. Thường xuyên thay dầu

Việc thay dầu thường xuyên là việc hiển nhiên ai cũng biết để kéo dài tuổi thọ của xe thêm một năm nữa. Mặc dù, trong các quyển hướng dẫn của các hãng xe ngày nay khuyến cáo kéo dài thời gian giữa các lần thay dầu, nhưng một thực tế vẫn không thể phủ nhận là thay dầu thường xuyên sẽ loại bỏ bẩn và những hạt kim loại làm mài mòn ra khỏi động cơ, kéo dài tuổi thọ của chúng. Hầu hết các sách hướng dẫn sử dụng đều khuyến cáo nên thay dầu thường xuyên khi xe ở ‘các điều kiện xấu’. Để tận dụng tối đa tuổi thọ của động cơ, hãy thường xuyên thay dầu nhất là khi bạn thường lái xe trong thành phố khi phải dừng đỗ liên tục do tắc nghẽn hoặc đèn giao thông.

53. Tránh đổ dầu quá nhiều vào hộp máy

Đừng đổ quá nhiều dầu vào hộp máy. Nếu làm vậy, dầu có thể tràn vào trục cơ khiến cho bọt khí sẽ bị khuấy vào dầu. Hệ thống bơm dầu của bạn sẽ gặp khó khăn khi lưu thông dầu có lẫn bọt khí. Kết quả có thể làm máy quá nóng và gây sức ép lên các bộ phận của động cơ. Việc đổ dầu nhiều quá cũng có thể làm bẩn bộ phận bu-gi. Thực tế, việc đổ quá nhiều dầu cho bất kỳ các bộ phận nào của xe cũng là điều không nên làm.

54. Lau chùi sạch nút bình đựng dầu

Nếu bạn tự thay dầu, hãy lau sạch nút tháo dầu và lau sạch bằng giẻ trước khi bạn đổ dầu vào bình. Một số nút rất dễ bám các mảnh kim loại.

55. Đừng quên các bộ lọc

Có một số bộ lọc (những bộ lọc chính gồm dầu/nhớt, nhiên liệu, số và khí) đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ động cơ xe của bạn. Chúng nên được thay theo định kỳ hướng dẫn trong sách như sau:

• Ít nhất thay bộ lọc dầu (nhớt) cách mỗi lần thay dầu, nếu mỗi lần thay dầu mà thay bộ lọc thì càng tốt do bộ lọc dầu chứa khoảng 1 lít dầu bẩn mà sẽ còn lưu lại, khi đổ dầu mới, sạch chắc chắn cũng sẽ bị ảnh hưởng. Nếu bạn tự thay dầu, lau sạch các đường rãnh của bộ lọc bằng dầu mỡ chống kẹt có bán tại các cửa hàng sửa chữa ô-tô.
• Cứ hai tháng cần kiểm tra bộ lọc khí và thay thế khi bị bẩn hoặc khi chỉnh máy. Các bộ lọc khí dễ tìm hơn là bộ lọc dầu. Bạn sẽ thấy chúng nằm dưới nắp ca-pô đối với động cơ chế hòa khí hoặc trong một cái hộp hình chữ nhật trong động cơ phun xăng – hãy kiểm tra trong sách hướng dẫn của hãng xe để biết chính xác vị trí. Hãy làm sạch và sấy khô để kéo dài thêm tuổi thọ của bộ lọc khí.
• Mặc dù các hãng sản xuất xe thường khuyến cáo rằng một số bộ lọc nhiên liệu thế hệ mới không bao giờ cần phải thay, nhưng tốt nhất là bạn vẫn nên thay ít nhất là một lần/năm. Bộ lọc nhiên liệu tắc nghẽn sẽ ảnh hưởng lớn đến tính năng của động cơ (khó khởi động) và cảnh báo sớm rằng có thể bình chứa nhiên liệu có hiện tượng ăn mòn.
• Thay bộ lọc dầu hộp số sau 8.000 km lái đầu tiên và cứ 40.000 km sau đó hoặc sau 2 năm.


Nên thường xuyên kiểm tra và thay thế lọc dầu, lọc không khí và lọc nhiên liệu.



56. Đừng quên van thoát hơi cho hộp máy

Van thoát hơi cho hộp máy (PVC) là thiết bị kiểm soát khí thải đối với các dòng xe đời cũ, hãy kiểm tra trong sách hướng dẫn của hãng xe xem liệu xe của bạn có van này không. Van làm nhiệm vụ tuần hoàn một phần các nhiên liệu đốt cháy từ hộp máy của động cơ đến buồng đốt. Vì nó đóng vai trò quan trọng trong việc giúp động cơ hoạt động được thích hợp, vậy bạn nên thay van cứ mỗi khi đi được 48.000 km hoặc theo như chỉ dẫn trong sách hướng dẫn của hãng xe. Nhằm giúp bạn bảo vệ tốt nhất bình đựng nhiên liệu, van còn giúp ngăn chặn việc hình thành các chất bùn nhầy có hại và hiện tượng ăn mòn. Khi thay van PCV, bạn lưu ý phải thay đúng loại nếu không bạn có thể làm hỏng động cơ.

57. Đặc hơn chưa chắc là tốt hơn

Tham khảo biểu đồ quy định dầu nhớt khuyến cáo trong sách hướng dẫn của hãng xe để xem phạm vi nhiệt độ cho mùa sắp tới. Đối với loại loãng hơn (độ nhớt thấp, như SAE 5W-30) thường áp dụng ngày nay cho các động cơ xe nhỏ hơn, sẽ giúp khởi động dễ dàng hơn và bảo vệ động cơ tốt hơn vào mùa đông và cải thiện được tính năng tiết kiệm nhiên liệu quanh năm, đó là nhờ ít ma sát bên trong động cơ. Không dùng loại có độ nhớt đặc hơn trong mùa đông, nếu không bạn sẽ làm hại máy.



58. Bảo dưỡng hộp số

Hãy thay dầu cho loại hộp số tự động sau 8.000 km lái đầu tiên và cứ 40.000 km lái sau đó hoặc sau 2 năm, hoặc theo chỉ dẫn trong sách hướng dẫn của hãng xe. Nếu bạn sử dụng phương tiện của mình vào mục đích kéo thì hãy thay dầu và bộ lọc hàng năm. Đối với hộp số sàn, hãy thay dầu (dầu động cơ hay dầu nhờn cho bánh răng/bộ truyền động, tùy thuộc vào loại xe) sau 8.000 km lái đầu tiên và cứ 80.000 km sau đó. Sử dụng dầu động cơ tổng hợp hoặc dầu nhờn cho bánh răng/bộ truyền động sẽ giúp kéo dài tuổi thọ của hộp số, trừ phi có khuyến cáo khác của hãng sản xuất xe.

59. Thêm bộ phận làm mát dầu/nhớt

Nếu bạn định sử dụng xe nhiều vào việc kéo và xe của bạn chưa có bộ phận làm mát thì bạn hãy cân nhắc lắp thêm chúng. Các bộ phận làm mát dầu máy và dầu hộp số tương đối đơn giản, giá thành thấp và có nguyên lý hoạt động giống như bộ tản nhiệt của xe. Khi dầu chảy qua chúng sẽ có những vây cá nhỏ làm nhiệm vụ hấp thụ và tán nhiệt. Nhiệt độ của dầu máy và dầu hộp số được làm mát khi hoạt động có thể làm gia tăng đáng kể tuổi thọ của động cơ và hộp số.

60. Cần thay bugi

Việc ra đời của bộ phận đánh lửa điện và các bảng máy tính trên xe đã loại bỏ sự cần thiết việc chỉnh máy thường xuyên, nhưng bạn vẫn cần thay bugi. Rất nhiều hãng xe khuyến cáo nên thay bugi cứ mỗi khi đi được 48.000 km hoặc 64.000 km để đảm bảo tốt tính năng hoạt động của động cơ và tiết kiệm được nhiên liệu. Một số đời xe được trang bị bugi có tuổi thọ cao (đôi khi được gọi là bugi kép bằng platin) có thể đi đến 160.000 km. Nếu xe của bạn không có loại bugi này thì nên thay bugi sau khi đi được 48.000 km. Giá thành của bugi cũng không phải là đắt. Bạn cũng nhớ nên thay các dây điện của bugi. Tuổi thọ của dây điện khoảng 80.000 km. Dây điện cũ có thể gây ra các bugi mới có công nghệ cao bị tắc.



61. Tránh phiền toái do các ống dẫn gây ra

Hàng tháng hoặc hai tháng/lần nhớ kiểm tra các ống dẫn dưới nắp ca-pô để tránh những rắc rối do ống bị hỏng trong khi bạn đang lái xe. Khi xe không chạy và ở trạng thái mát, bạn hãy bóp tay vào các ống. Nếu chúng cứng hoặc có tiếng kêu lạo xạo thì hãy đặt chúng trở lại vị trí. Tương tự nếu chúng quá mềm hoặc cảm giác dinh dính thì khi xe tắt máy nhưng vẫn còn ấm, kiểm tra các ống xem có chỗ nào bị phình hay bị xẹp không. Nếu có, các vách của ống này bị yếu, đã đến lúc phải thay chúng. Không bao giờ được lái khi ống của bộ phận làm mát bị vỡ rách, nếu không bạn sẽ làm cho động cơ quá nóng và phá hủy nó. Các ống khác cũng rất quan trọng trong khi vận hành xe như phanh và các hệ thống điều khiển lái.

62. Kiểm tra sức căng của dây cu-roa truyền động

Hàng tháng hãy kiểm tra sức căng và tình trạng của dây cu-roa truyền động (hoặc nhiều xe có nhiều các loại dây cu-roa). Các dây quá chặt có thể làm mòn vòng bi/bạc ở các bộ phận phụ kiện như bộ phận nén điều hòa khí, bơm nước và bơm trợ lực lái. Các dây cu-roa quá lỏng sẽ làm mòn nhanh hơn và có thể làm hỏng vĩnh viễn. Thực hiện việc khám xe trước khi bạn khởi động xe nhằm tránh bị bỏng khi kiểm tra dây cu-roa và di chuyển bộ phận động cơ. Kiểm tra sức căng bằng cách một tay ấn vào giữa đoạn dây cu-roa chạy mà bạn nhìn thấy, trong khi tay kia cầm thước. Nếu bạn có thể ấn dây cu-roa xuống độ 13 đến 25 mm, không hơn không kém, thì sức căng của nó tốt. Nếu không, hãy tự chỉnh độ căng của dây cu-roa theo như chỉ dẫn trong sách hướng dẫn của hãng xe, hoặc đến garage sửa xe để thợ họ chỉnh giúp. Bạn cũng nên kiểm tra xem dây có bị hỏng hóc gì không, chẳng hạn như bị nứt, bị tước, bị bóng (thường là do dầu rò rỉ). Nếu bạn phát hiện ra chỗ hỏng, hãy để cho thợ họ kiểm tra lại và thay thế nó khi cần.


Thay dây cu-roa

63. Đừng quên tuổi thọ của dây cu-roa

Đối với nhiều xe, bạn không nhìn thấy được dây cu-roa nhưng nó lại là quan trọng nhất. Nếu trong sách hướng dẫn chỉ dẫn, phần lớn các sách đều đề cập đến, phải thay dây cu-roa khi chạy được 86.000 km thì bạn hãy thực hiện. Tùy thuộc vào loại động cơ, nhưng một dây cu-roa hỏng có thể tốn hàng nghìn đô.

64. Làm sạch động cơ

Có rất nhiều lý do để bạn nên rửa động cơ ít nhất là hàng năm hoặc không hai năm/lần. Một động cơ được rửa sạch sẽ chạy êm hơn là động cơ bẩn. Một động cơ sạch cũng sẽ dễ dàng phát hiện các chỗ rò rỉ và bảo dưỡng các bộ phận của nó. Trước khi rửa, bạn nhớ dùng các túi ni-lon để bảo vệ các bộ phận nhạy cảm của động cơ, như lỗ thông khí, hệ thống phân phối và các thiết bị điện. Sử dụng nước rửa bát hoặc bột giặt không có nhờn và bàn chải cứng để chải bề mặt động cơ và các bộ phận, rồi xả nước rửa sạch. Các hóa chất tẩy rửa dùng cho động cơ cũng có bán tại các cửa hàng phụ tùng ô-tô. Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng. Hoặc bạn cũng có thể để thợ họ làm sạch động cơ của xe bằng hơi.

Bí quyết giữ xe bền và có tuổi thọ cao - phần 6
Điều hòa, ắc quy, nước làm mát và dầu tay lái là những bộ phận không thể tách rời của xe. Do vậy, việc bảo quản chúng cũng rất cần thiết.

65. Chạy điều hòa vào mùa đông

Để giữ cho hệ thống điều hòa xe được chạy tốt vào mùa nóng sắp tới, bạn hãy lưu ý trong mùa đông cũng phải thỉnh thoảng chạy điều hòa. Điều này sẽ giúp cho các bộ phận chuyển động của điều hòa không bị tắc. Việc lưu thông bộ phận lạnh sẽ giữ cho các gioăng mềm.

66. Bảo dưỡng ắc quy xe

Hãng sản xuất xe có thể khuyến cáo không phải bảo dưỡng ắc quy xe, nhưng bạn có thể tin được điều này không? Hãy thường xuyên kiểm tra ắc quy để kéo dài tuổi thọ của nó và tránh những rắc rối do xe chết máy vì ắc quy hỏng.

• Bắt đầu bằng cách rất đơn giản là giữ cho ắc quy sạch. Bình mà bẩn có thể là nguyên nhân gây ra ắc quy chảy. Lau sạch bằng giẻ ẩm, dùng nước giặt có nồng độ tẩy vừa phải, nếu cần.
• Sau đó lau sạch các trụ và cực ắc quy. Đầu tiên vặn rồi tháo dây âm (màu đen hoặc ký hiệu dấu trừ), rồi đến dây dương màu đỏ. Dùng bàn chải bằng dây đồng nhúng vào một bột nhão là vài thìa bột nở (baking soda) pha với một chút nước rồi chải ắc quy.
• Kiểm tra xem vỏ bình ắc quy có bị hỏng không, như nứt hay phồng – các dầu hiệu cho thấy ắc quy cần phải thay.
• Lắp lại các dây, dây dương trước, và bôi vào các đầu cực một lớp mỡ mỏng để tránh hiện tượng ăn mòn.



Thường xuyên kiểm tra ắc quy.


67. Một số ắc quy cần nước

Nếu ắc quy của bạn có nắp đậy các lỗ, hãy bỏ chúng ra để kiểm tra mức của chất điện phân. Nó phải cao hơn bản ắc quy trên cùng là 13 mm. Nếu không, bạn hãy dùng nước cất đổ vào sao cho mức nước mới cách dưới nắp là 6 đến 10 mm. Không được sử dụng nước máy, vì nó có khoáng chất có thể làm hỏng ắc quy. Các thợ cơ khí sẽ kiểm tra ắc quy khi họ bảo dưỡng định kỳ xe của bạn, nhưng họ thường bỏ qua công đoạn này. Bạn nhớ nhắc họ.

68. Hãy chú ý đến ắc quy

Nếu bạn chẳng may cứ để đèn sáng và làm hết ắc quy, hãy làm theo các phòng ngừa dưới đây nhằm tránh làm hỏng ắc quy và bộ phận khởi động khi bạn khởi động xe:

• Tránh rủi ro gây ra nổ ắc quy, để hai xe ở trạng thái không khởi động, nối một đầu dây dương với cực dương của ắc quy bị hết điện.
• Nối đầu kia của dây dương với cực dương của ắc quy nguồn.
• Nối một đầu dây âm với cực âm của ắc quy nguồn.
• Nối dây âm còn lại vào miếng kim loại không sơn phủ trên động cơ xe (càng tránh xa ắc quy hết điện ra càng tốt).
• Đợi vài phút và bắt đầu khởi động xe bị chết máy. Nếu nó không khởi động, hãy khởi động xe nguồn và rồi thử khởi động lại cái xe bị chết máy.
• Khi xe khởi động, cẩn thận tháo các dây ra theo thứ tự ngược lại.
• Nếu như xe vẫn không khởi động, đừng nên cố nạp điện cho ắc quy nữa nếu không bạn sẽ làm hỏng bộ phận khởi động xe. Hãy mang ắc quy ra cửa hàng xem liệu nó có thể nạp lại điện được không.
• Thậm chí nếu bạn thành công, hãy đảm bảo rằng ắc quy phải được nạp điện đầy đủ bằng cách để ắc quy nạp qua đêm hoặc bằng cách lái xe 8 đến 16 km.

69. Dán chỗ rò rỉ của két nước làm mát

Cứu két nước làm mát mới đắt tiền bằng cách hàn gắn vết rò rỉ bằng keo dán dạng bột hoặc lỏng, ví dụ như loại Alumaseal của Gold Eagle Co. Sản phẩm này đi vào trong két nước làm mát và đến các lỗ hổng và trám lỗ hổng khi nó gặp không khí. Alumaseal có thể được dùng để chặn các vết rò rỉ của bộ điều chỉnh nhiệt.

70. Làm loãng nước làm mát

Hệ thống làm mát cần nước làm mát chống đóng băng pha với nước. Vậy bạn không được cho nước làm mát còn đặc vào trong hệ thống làm mát. Bạn phải pha loãng nó ra với nước theo tỷ lệ phổ biến là 50-50. Tương tự, bạn cũng không được đổ nước trực tiếp vào hệ thống làm mát. Nước làm mát có tác dụng bảo vệ chống xói mòn và đóng băng. Nước đảm bảo độ nóng vừa phải chuyển từ nước làm mát đến két nước làm mát.

71. Kiểm tra nước làm mát

Hãy kiểm tra mức nước làm mát chống đóng băng hàng tuần chỉ dẫn trên bình. Nếu thấp hơn quy định, hãy đổ nước làm mát pha với nước theo tỷ lệ 50-50. Một số hãng sản xuất bán sẵn nước làm mát đã pha sẵn với nước, việc này sẽ giúp cho nhanh chóng và dễ dàng khi cần đổ thêm.


Thay nước làm mát

72. Đừng quên xả sạch nước làm mát

Nước làm mát chống đóng băng dùng lâu cũng sẽ bị thoái hóa và trở nên ô nhiễm. Xả hết nó từ hệ thống làm mát theo như sách hướng dẫn (thông thường 2 năm/lần; 5 năm/lần đối với loại đời mới hơn). Nếu không xả hết bạn có thể làm hỏng két nước làm mát, làm tắc bộ phận sưởi và gây hỏng bộ điều chỉnh nhiệt và bơm nước.

73. Đừng trộn lẫn lộn các nước làm mát

Tránh trộn lẫn lộn các nước làm mát có màu sắc khác nhau. Nếu nước làm mát của bạn màu hồng, bạn đừng trộn nó với màu xanh lá cây. Nếu không, kết cục là bạn sẽ có một hỗn hợp mà chẳng giải quyết được vấn đề gì. Bạn nên chỉ dùng nước làm mát chỉ dẫn trong sách hướng dẫn của hãng xe của bạn.

74. Kiểm tra dầu tay lái

Hàng tháng kiểm tra dầu tay lái một lần khi xe còn ấm. Nếu mức dầu thấp hãy cho dầu vào, vì ngoài việc làm cho bạn khó điều khiển tay lái, mức dầu thấp sẽ làm hỏng bộ phận bơm. Hãy đảm bảo sử dụng đúng loại dầu tay lái cho xe của bạn.
Về Đầu Trang Go down
https://nongtruongcf.forumvi.com
 
BÍ QUYẾT GIỮ XE BỀN VÀ TUỔI THỌ CAO
Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
QŨY TÍN DỤNG NHÂN DÂN THỊ TRẤN NÔNG TRƯỜNG MỘC CHÂU :: TRANG CHỦ :: Xe hơi-
Chuyển đến